Khai giảng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 trên địa bàn xã Đăk Kôi
Ngày 05-10, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Rẫy phối hợp với UBND xã Đăk Kôi tổ chức khai giảng 2 lớp đào tạo nghề Làm Chổi đót cho 70 học viên (mỗi lớp 35 học viên) là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo thuộc xã Đăk Kôi.
Các đại biểu và học viên tham dự buổi lễ khai giảng
Tại buổi khai giảng, đại diện lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã triển khai quyết định mở lớp, thông tin về chương trình đào tạo, thời gian đào tạo của lớp học, thông tin một số nội dung về chế độ chính sách đối với các đối tượng tham gia học nghề. Đồng thời yêu cầu toàn thể học viên tham gia học tập đầy đủ đúng theo nội quy của Trung tâm đã đưa ra, đảm bảo được kiến thức, kỹ năng nghề cũng như kiến thức kỹ năng mềm để sau khi đào tạo các lao động sẽ tạo được thu nhập cuộc sống từ nghề đã học, nhắc nhở học viên phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện trong thời gian tổ chức lớp học như việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện kế hoạch đào tạo của chương trình.
Đại diện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Rẫy thông qua quyết định mở lớp
Qua buổi khai giảng đã giúp các lao động hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, giúp người dân nâng cao được ý thức trong công tác tuyên truyền vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, quyết tâm chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới trong thời gian tới.
Đồng chí Phạm Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện xã phát biểu tại buổi khai giảng
Đồng chí A Câu, Phó Chủ tịch UBND xã phát biểu tại buổi khai giảng
Phát biểu tại buổi khai giảng, đồng chí A Câu, Phó Chủ tịch UBND xã đề nghị học viên tiếp thu đầy đủ những kiến thức về khoa học kỹ thuật và các kỹ năng cơ bản được truyền đạt trong quá trình học tập để từ đó vận dụng vào thực tiễn tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.
Việc mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
TH. Phan Đình Thọ (VH-XH)