Trụ sở UBND xã Đăk Kôi

                                                            Trụ sở UBND xã Đăk Kôi

           

Đăk Kôi là một xã vùng sâu của huyện Kon Rẫy thuộc tỉnh Kon Tum, trung tâm xã cách trung tâm hành chính huyện khoảng 25 km về phía nam, nằm dọc theo tỉnh lộ 677. Phía bắc giáp xã Ngọc Yêu ( huyện Tu Mơ Rông) và xã Măng Bút (huyện Kon Plong); phía nam giáp xã Đăk Tờ Lung, phía đông giáp huyện Kon Plong, phía tây giáp  xã Đăk Ui ( huyện Đăk Hà). Diện tích tự nhiên của xã là 32.627,72  hec ta, trong đó, có  3.196,38 hec ta đất sản xuất nông nghiệp, còn lại là đất thổ cư, đất lâm nghiệp. Đăk Kôi có địa hình khá phức tạp, hiểm trở, độ chia cắt mạnh bởi núi đồi, sông suối; địa hình núi cao chiếm hầu hết diện tích và được tạo bởi hai lưu vực sông Đăk SNghé và suối Đăk Kôi. Sự chia cắt hiểm trở của địa hình đã tạo cho xã có vị trí khá quan trọng , từng được coi là vùng căn cứ cách mạng của H16 và Tỉnh ủy Kon Tum trong cuộc kháng chiến chống xâm lược .

Ở xã Đăk Kôi, rừng bao phủ rộng khắp và chiếm một diên tích lớn, trong rừng chứa đựng một hệ động, thực vật khá đa dạng và phong phú. Về động vật có các loài thú rừng như: hổ, hưu, nai, hoẵng (mang), heo rừng, nhím, cheo, trút (tê tê), chồn (cáo), khỉ, chim các loại, ...về thực vật có các loại gỗ quí như: lim, sến gụ, chò, huỳnh đàn, hương, cẩm lai, trắc, sao, ... Rừng và tài nguyên rừng là thế mạnh của xã. Từ bao đời, rừng là nguồn sinh sống của người dân bản địa, rừng cung cấp mọi nhu yếu phẩm cho đời sống bởi rừng chứa đựng bên trong các loại động thực vật phong phú trong đó có nhiều loại sản vật có giá trị kinh tế cao và phục vụ trực tiếp đời sống con người.

Về sông suối, trên địa bàn xã có hệ thống sông chính là sông Đăk Kôi bắt nguồn từ dãy Ngok Linh ở phía bắc chảy về phía tây, đoạn qua xã dài 11,8 km. Đây là đoạn sông lớn nhất cung cấp nguồn thủy sản cho xã nhưng không đáng kể. Do sông chảy qua địa hình chia cắt phức tạp nên có độ dốc lớn , nhiều ghềnh đá, quanh có khúc khuỷu,..thường khô cạn về mùa nắng nên không phục vụ được nhiều cho sản xuất nông nghiệp và giao thông đường thủy.  Về mùa mưa nước thường dâng cao, chảy xiết gây ngập úng, nguy hiểm cho việc đi lại của nhân dân. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có một số con suối vừa và nhỏ có tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái của địa phương.

Giao thông ở xã Đăk Kôi chủ yếu là giao thông đường bộ. Tỉnh lộ 677 là con đường huyết mạch, tạo cầu nối giao lưu giữa xã với trung tâm huyện lỵ Kon Rẫy về phía nam và các huyện Đăk Hà, Đăk Tô ở vùng phía bắc. Tuyến đường này trước đây hoàn toàn là đường đất, hiện nay đang được nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, thảm nhựa để tạo động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội ở vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng vùng phía đông tỉnh Kon Tum, trong đó có xã Đăk Kôi. Ngoài tuyến đường chính đó, trên địa bàn xã còn có một số tuyến đường mòn nối thông với các xã lân cận được hình thành từ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những năm gần đây, tuyến đường Tỉnh lộ 677 được tỉnh quan tâm nâng cấp để mở rộng giao lưu giữa xã với các vùng khác tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Khí hậu Đăk Kôi mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Nhiệt độ trung bình hằng năm là từ 20-250c. Do sự chia cắt mạnh của địa hình nên khí hậu có sự biến đổi thất thường, sự đan xen giữa mưa và nắng không theo một qui luật cố định, song về cơ bản vẫn có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mừa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2000-2200mm, độ ẩm chiếm tỷ lệ lớn trên 80%, .ảnh hưởng không nhỏ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

         Cộng đồng dân cư ở Đăk Kôi chủ yếu là người dân tộc Xê Đăng, nhánh chính là Xơ Đrá. Đây là thành phần dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống lâu đời trên vùng đất này. Sản xuất chính của đồng bào là làm nương rẫy. Về văn hóa, bên cạnh những đặc trưng chung của cộng đồng các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên ( Nhà Rông, Cồng chiêng, Rượu cần…), cộng đồng dân tộc Xê Đăng ở Đăk Kôi cũng có những đặc trưng riêng khác nhau. Như về nhà ở: Người Xê Đăng cư trú theo mô hình hộ gia đình nhỏ, mỗi hộ là một bếp. Về ngôn ngữ, người Xê Đăng thuộc hệ ngôn ngữ Môn –Khơ me. Hôn nhân theo chế độ một vợ một chồng, con gái lấy theo họ mẹ, con trai lấy theo họ cha ( con trai họ U , con gái họ Y).

Đăk Kôi, tháng 6/2022